Việc phân chia mọi thứ rõ ràng sẽ giúp startup tránh được nhiều rắc rối về sau, kể cả khi thành công cũng như khi thất bại, Shark Phạm Thanh Hưng cho biết.
Chuyện khởi nghiệp và mâu thuẫn trong khởi nghiệp, đặc biệt mâu thuẫn giữa các nhà sáng lập, là vấn đề khá phổ biến hiện nay. Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse đã từng có chia sẻ rất nổi tiếng về vấn đề này: Người Việt cùng làm chung, đa phần thành cũng tan mà bại cũng tan!
Mới đây nhất, Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cenland cũng có những nhận xét tương tự khi cho rằng trong khởi nghiệp câu chuyện khó nhất là “phép chia”.
Anh lý giải nguyên nhân là do “khi nói đến tiền bạc, người Việt hay ra quyết định dựa trên tình cảm, trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp thường khá thuận lợi nhưng khi thành công mới xảy ra rất vấn đề; kể cả thất bại cũng thế.
“Khi thất bại người ta thường đổ lỗi cho nhau, ai cũng bảo ‘tôi thế nọ, tôi thế kia’. Thành công cũng vậy nên câu chuyện phép chia là câu chuyện khó nhất”.
Để tránh những mâu thuẫn khi góp vốn, đặc biệt trong trường hợp góp vốn với bạn bè, người thân, Shark Hưng cho rằng startup phải rõ ràng, rành mạch ngay từ đầu: Phải tách rời câu chuyện tình cảm và tiền bạc, thế nào là cho, thế nào là ưu tiên, phần nào là tiền đóng góp, phần nào là công sức đóng góp,…
Kể cả góp công sức thì startup cũng nên chia ra công sức đó tương ứng với số tiền thế nào. Ví dụ: Người điều hành có thể hưởng 5-10% cổ tức mặc dù không góp tiền vì người này có bỏ công sức ra.
“Mọi thứ nên rõ ràng, rành mạch từ đầu; mất lòng trước nhưng được lòng sau để đỡ gây ra rắc rối”
“Mọi thứ nên rõ ràng, rành mạch từ đầu; mất lòng trước nhưng được lòng sau để đỡ gây ra rắc rối”, Shark Hưng cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề tránh mâu thuẫn khi khởi nghiệp, phó chủ tịch Cenland cho biết việc lựa chọn cộng sự cũng là điều startup cần quan tâm.
Anh ví von chọn người làm cùng giống như chọn một đôi giày, phải cùng cỡ, cùng kiểu, cùng thương hiệu, “không thể Gucci lại đi với LV”. Tuy nhiên vẫn cần có sự khác biệt, giống một chiếc giày đi chân trái còn chiếc kia đi chân phải, có như vậy mới ghép với nhau thành một đôi; “không thể cả hai chiếc đều đi chân trái được”.
Nhờ nguyên tắc này, phó chủ tịch Cenland tiết lộ anh và chủ tịch Nguyễn Trung Vũ đã đi cùng nhau, làm việc với nhau hơn 10 năm. Đến nay mọi chuyện vẫn ổn, hai người vẫn thường xuyên trao đổi với nhau nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống.
“Đối tác, cộng sự đều là những người các bạn sẽ phải đi cùng một đoạn rất xa, có mối gắn kết ràng buộc cả về kinh tế lẫn nhiều vấn đề trong cuộc sống. Do đó, các đối tác phải là sự kết hợp đồng thời lại là sự bù đắp, là sự khác biệt nhưng cũng là sự thống nhất thì mới bền vững được”.
“Cứ chọn người giống hết chúng ta cũng là điều dở nhiều hơn hay, còn chọn người quá dị biệt, không có điểm chung nào cả cũng rất dở. Những người cộng sự phải có cái chung nhưng vẫn phải có cái riêng”, Shark Phạm Thanh Hưng kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ